Chuyện "đánh đấm" hay "vận động chân tay" trước đây vẫn được xem là "lĩnh vực" của phái nam. Nhưng bây giờ thì quan niệm ấy xem ra đã quá lỗi thời. Làng thể thao Việt Nam đã xuất hiện nhiều gương mặt nữ sáng chói.
Bóng đá xưa nay vốn được mệnh danh là môn “thể thao vua” - một môn dành riêng cho nam giới thi triển sức mạnh, tốc độ và kỹ thuật. Vậy mà thủ môn đã đoạt danh hiệu Quả bóng vàng năm 2002 của Việt Nam là một bạn nữ: chị Kim Hồng. Điền kinh ở Việt Nam vẫn còn được xem là bộ môn mà chúng ta còn cần phải phấn đấu, học hỏi nhiều từ các nước bạn. Thế nhưng nữ vận động viên đến từ Thanh Hóa là chị Phạm Đình Khánh Đoan đã cùng một lúc giành được hai chiếc huy chương vàng ở bộ môn này tại Seagames lần thứ 21.
Trong võ thuật, chúng ta đã từng biết đến (và không thể nào quên) Cao Ngọc Phương Trinh của bộ môn Judo. Vừa qua, tại Asiad lần thứ 14, chị Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, cựu sinh viên khoa Anh trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, đã làm rạng danh làng Karatedo Việt Nam với chiếc huy chương vàng. Và mấy ai có thể làm ngơ được trước vẻ đẹp khả ái của cô gái vàng trong làng võ thuật Việt Nam: Nguyễn Thuý Hiền - vận động viên bộ môn wushu , người đã đem về cho Việt Nam rất nhiều huy chương vàng tại các giải vô địch thế giới.
Còn nhiều thành tích khác của các cô gái Việt Nam trên những đấu trường thể thao nói chung (và võ thuật nói riêng) trong khu vực và trên thế giới mà không thể nào gói gọn được chỉ trong vài dòng. Điều đó chứng tỏ nữ giới Việt Nam rất ưa chuộng thể thao và hâm mộ võ thuật. Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, bài viết này muốn giới thiệu đến các bạn quan tâm và yêu thích võ thuật một môn võ được xem là khá thích hợp cho các bạn nữ - bộ môn Aikido (Hiệp khí đạo).
AIKIDO PHÙ HỢP VỚI THỂ HÌNH CỦA NỮ GIỚI
Xem xét từ góc độ giải phẩu học, cấu trúc cơ thể của nữ giới bao giờ cũng nhỏ bé hơn nam giới (tất nhiên là cũng có những trường hợp ngoại lệ - nhưng tỉ lệ này không cao). Vóc dáng nhỏ bé trong một số môn võ là là điều ngược lại.
Tổ Sư bộ môn Aikido, Morihei Ueshiba, là một người nhỏ con. Với chiều cao chưa đến 1,60cm, dĩ nhiên các tuyệt chiêu do Người sáng tác và truyền lại cho thế hệ đời sau đa phần là những kỹ thuật dành cho người nhỏ con chế ngự người to con hơn mình. Vì thế, có thể nói Aikido là một môn võ dành nhiều lợi thế cho người có vóc dáng nhỏ bé - điển hình là nữ giới.
AIKIDO PHÙ HỢP VỚI THỂ LỰC CỦA NỮ GIỚI
Nguyên tắc của Aikido là lấy nhu thắng cương, "tá lực đả lực". Điều này có nghĩa là các đòn thế của Aikido chuyên vận dụng nguyên tắc lấy lực của đối phương để chống lại đối phương, không buộc người sử dụng phải đối kháng trực tiếp với một đấu thủ có sức mạnh hơn mình.
Thể lực và thể trạng của nam giới bao giờ cũng chiếm nhiều ưu thế hơn so với nữ nếu đối kháng trực tiếp. Do vậy, một bạn nữ rơi vào tình huống cần phải đối phó với những kẻ xấu mạnh hơn mình mà trực tiếp đối kháng là một điều bất hợp lí. Nếu bạn ấy có tập luyện Aikido, bạn ấy sẽ mượn ngay chính sức của những kẻ mạnh hơn mình để chống lại, hóa giải các chiêu thức tấn công của họ.
KỸ THUẬT CỦA AIKIDO PHÙ HỢP VỚI NỮ GIỚI
Cũng như đa số các bộ môn võ thuật khác của Nhật Bản, những chiêu thức của Aikido vừa có nhu vừa có cương. Tuy vậy, các kỹ thuật đòn thế vẫn lấy nhu làm gốc. Thông thường, tại các buổi biểu diễn của bộ môn Aikido, bao giờ tiết mục Kokyu nage cũng dành cho nữ làm tori. Khác với cách ra đòn của nam giới luôn mong muốn thể hiện sự mạnh mẽ, dứt khoát, các nữ võ sĩ ra đòn có phần mềm mại và "đẹp" hơn rất nhiều. Các kỹ thuật trong bộ Kokyu nage đòi hỏi phải có sự di chuyển, phối hợp nhịp nhàng trong việc thực hiện các động tác. Những yêu cầu này lại trở thành một ưu thế đối với phái nữ. Và như thế, Kokyu Nage (các kỹ thuật bộc lộ rõ nhất đặc tính “nhu khắc cương” của Aikido) lại có phần ưu ái dành cho nữ giới nhiều hơn nam.
Nói chung, do có tinh thần thượng võ, đa số các nam võ sinh (ở bất kỳ môn phái nào) cũng xem chuyện đánh phụ nữ là một điều “tồi tệ” (trừ trường hợp bất đắc dĩ phải tự vệ). Do vậy, họ thường có xu hướng làm người chịu đòn khi tập đối luyện chung với các nữ võ sinh hơn là tập với tư cách ngược lại. Vì thế, tất cả nữ võ sinh thường có nhiều dịp “đối mặt” với các đấu thủ cả nam lẫn nữ trong khi đa số nam võ sinh lại không có cơ hội như vậy. “Cọ xát” với nhiều loại đối thủ khác nhau giúp cho nữ võ sinh có kinh nghiệm “chiến đấu” phong phú hơn nam võ sinh (tất nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ).
Ngoài ra, trong Aikido có bộ Koshi nage là một tập hợp những đòn ném, quật bằng lực hông. Khi một môn sinh Aikido thực hiện các kỹ thuật Koshi nage, ta có thể thấy tính cương trong các đòn thế thể hiện rõ nét. Nam giới có thể tìm thấy “nơi phô diễn” sức mạnh đầy nam tính của mình trong các kỹ thuật của Koshi nage trong khi những bạn nữ mới tập Aikido bao giờ cũng rất e dè khi bắt đầu tập chúng. Tuy trong “cương” của Koshi nage vẫn có nhu, không ít bạn nữ phải rêm cả người mấy ngày liền khi lần đầu tiên thực hành các kỹ thuật này. Nhưng khi đã bắt đầu quen thuộc với Koshi nage, các bạn nữ sẽ thấy thích nó vì đó là phương pháp tập luyện thể lực rất hữu hiệu.
Như đã nói trên, do tâm lý, các nam võ sinh thường không thích đánh các nữ võ sinh Koshi nage trong khi đa số các bạn nữ Aikido đều thích tập các đòn thế này với các bạn nam - những kẻ thường to con và nặng ký hơn mình. Sở thích này trong việc tập luyện đã tạo nên một lợi điểm cho các bạn nữ về mặt tâm lý. Đó là việc các nữ võ sinh quá quen thuộc với việc đối diện với các đấu thủ nam cao lớn, lực lưỡng cũng như biết chắc mình có khả năng quật ngã họ. Do vậy, họ sẽ cảm thấy tự tin, không e dè, sợ hãi khi phải thật sự tự vệ trên đường phố, trước sự tấn công của những gã côn đồ to xác.
Cá tính của phụ nữ: dịu dàng
Với đặc điểm là một môn võ mang tính tự vệ thuần túy, Aikido hoàn toàn phù hợp với cá tính dịu dàng, đằm thắm của phái nữ. Trong Aikido không có những đòn tấn công hung hăng hay thô bạo. Bạn chỉ có thể tìm thấy trong môn võ này toàn đòn thế để tự vệ khi bị kẻ khác tấn công trước mà thôi.
Cá tính của phụ nữ: yêu thương
Phụ nữ hay xúc động hơn nam giới nên vẫn được mệnh danh là yếu lòng, đa sầu đa cảm, dễ sa ngã, dễ bị lừa gạt .v.v. Dù những điều đó có thật hay không, họ vẫn có một đặc điểm là dễ thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau của người khác hơn nam giới (do đó, chúng ta không lấy làm lạ khi phụ nữ thường hoạt động từ thiện nhiều hơn phái nam). Đặc điểm đó là cá tính của họ: yêu thương và thích chăm sóc những người mình yêu mến. Cá tính này rất phù hợp với tôn chỉ của Aikido – môn võ được mệnh danh là “Môn Võ Của Tình Thương”.
Các chiêu thức của Aikido đã được Tổ Sư gạn lọc đi những kỹ thuật chiến đấu mang tính sát thương cao. Vì thế, môn sinh Aikido khi tự vệ chỉ hóa giải các đòn thế tấn công của đối phương và kềm chế họ mà không gây nguy hiểm chết người hoặc làm đối phương bị thương tật nặng đến tàn phế. Tôn chỉ “yêu thương và hòa hợp” của Aikido phù hợp với cá tính yêu thương của phụ nữ nên môn phái này đã hấp dẫn nữ giới đến với mình nhiều hơn các võ phái khác.
Cá tính của phụ nữ: thích làm đẹp
Thích làm đẹp được xem là một cá tính “nổi bật” của nữ giới. Thật ra, phái nam cũng biết thưởng thức cái đẹp và cũng thích làm đẹp. Tuy nhiên, nhu cầu của họ không đa dạng như nữ giới, phương thức làm đẹp cũng không phong phú bằng.
Trong thể thao, chúng ta sẽ thấy có một số bộ môn mang tính mỹ thuật cao, rất phù hợp với phụ nữ như
thể dục nhịp điệu, bơi nghệ thuật .v.v. Nhưng trong võ thuật, cái đẹp sẽ là những đòn thế cương mãnh, uy dũng; không có chỗ cho sự yếu ớt, ẻo lả (vốn được xem là “vẻ đẹp trời cho” của phụ nữ). Phải chăng phụ nữ không thể tìm thấy vẻ đẹp “nữ tính” của chính mình trong quyền cước? Thật ra, dù hiếm hoi, chúng ta cũng có thể thấy một số đòn thế mang vẻ đẹp ôn nhu của phái nữ. Ở đa số các võ phái, điều này quả là hiếm hoi nhưng trong Aikido lại khác.
Dù rất thực dụng, các chiếu thức của Aikido đặc biệt mang tính mỹ thuật cao bởi nguyên tắc vòng cầu. Khi võ sinh Aikido thực hiện một kỹ thuật đòn thế nào đó, người quan sát sẽ có cảm tưởng đang thưởng thức một vũ điệu với những vòng tròn động do thủ pháp, bộ pháp của người đó tạo ra. Vì thế, Aikido thu hút khá đông võ sinh là những người có cái nhìn mỹ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, chứ không chỉ riêng phụ nữ thích làm đẹp.
Cuối cùng, sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến võ phục.
Y phục đẹp đối với đa số phụ nữ không chỉ là một nhu cầu, mà còn là một niềm đam mê khó giải thích hay mô tả. Y phục thể thao ngày càng phong phú, đa dạng một phần để dễ dàng vận động trong tập luyện cũng như trong thi đấu, phần khác cũng để đáp ứng nhu cầu mỹ thuật nói trên. Võ phái nào cũng có đồng phục của mình với kiểu cách, màu sắc mang ý nghĩa và nét đẹp riêng.
Võ phục Aikido cũng có vẻ đặc sắc riêng mình. Ở đây, chúng ta không bàn đến ý nghĩa và tiện ích của võ phục trong tập luyện mà chỉ đề cập đến nét đẹp của nó. Màu sắc của võ phục Aikido không lòe loẹt mà trang nhã, kiểu dáng của nó đơn giản mà không xuề xòa. Màu áo trắng tương phản với màu đen (hoặc xanh đen) của hakama tạo một ấn tượng đặc biệt cho người mặc. Võ phục này khiến môn đồ Aikido có vừa vẻ uy dũng, lại vừa có vẻ khiêm nhường.
Hakama là một loại quần dài với hai ống rộng như váy đầm. Các nữ võ sinh rất thích mặc hakama vì trông đẹp như mặc váy. Hakama ngoài việc tạo dáng đẹp cho người mặc, còn giúp họ che bớt những nhược điểm (nếu có) khi di chuyển để thực hiện đòn thế. Không chỉ thế, khi võ sinh thực hiện kỹ thuật Aikido với các chuyển động vòng, hakama sẽ xòe ra và bay phất phới theo chiều xoay, tạo thành những hình ảnh vô cùng đẹp mắt không khác gì khiêu vũ nghệ thuật. Chưa nói đến việc hakama giúp cho các bạn nữ cảm thấy tự tin hơn trong tập luyện (vì không phải lo lắng nếu bất ngờ gặp những “sự cố” về y phục đang khi luyện tập), nó còn khiến các nữ võ sinh cảm thấy mình trở nên "nữ tính" hơn rất nhiều.
Nếu bạn là phụ nữ và bạn thích tập võ thì bạn có thể tin rằng võ phục Aikido dù làm cho bạn trông oai nghiêm hơn vẫn không làm mất đi sự dịu dàng của nữ giới trong bạn. Trái lại, nó càng tôn cao vẻ đẹp nữ tính của bạn thêm lên.
Đọc đến đây, hẳn có bạn đã cho rằng Aikido là môn võ chỉ dành riêng cho nữ giới. Nhận xét như thế là không chính xác. Chính xác hơn, phải nói rằng Aikido là một môn võ hoàn toàn phù hợp với phái nữ.